ZING ME, VINAXUKI, PUBG, THẦY GIÁO BA VÀ CHUYỆN “MADE IN VIETNAM”
Hồi năm lớp 11, mình và hai thằng bạn cùng lớp đạp xe gần chục cây số để đến gặp một nhóm bạn nữ quen khi chơi game tại Zing Me. Mà nghĩ cũng buồn cười, cái năm 2009 ấy, tụi mình chưa có điện thoại, không đi xe máy, ba đứa lộc ngộc đạp xe đến điểm hẹn, mặc nguyên bộ đồ đồng phục của trường THPT, còn ba bạn nữ ở đối diện thì khá là điệu đà, đi xe máy, có Nokia cục gạch.. Buổi hôm ấy, cả đám đi ăn chè đỗ đen và bánh gối, ba thằng chỉ mong ăn xong rồi chuồn đi về vì quê quá.
Với những thế hệ 8x, 9x đời đầu, Zing Me gần như là nền tảng mạng xã hội đầu tiên mà họ tiếp cận. Khác với các nền tảng trước đó như Yahoo! 360, Zing Me thực sự đem lại một trải nghiệm mới mẻ hơn, kết nối hơn, đậm tính “social” hơn. Zing Me còn được sự hậu thuẫn cực lớn của ông lớn Vinagame, bây giờ là VNG, trào lưu Client Game đi vào bão hòa, làng game bấy giờ trình làng ra khái niệm Webgame, tức là chơi game trực tuyến trên web. Mình nhớ khi bước vào tiệm net, việc đầu tiên sau khi bật máy là vào Zing Me, thu hoạch nông sản trên “Nông trại vui vẻ” hay “Khu vườn trên mây”, đỉnh cao của Zing Me, theo mình nhớ là đi kèm với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Gunny - một game bắn súng theo lượt, màn hình ngang phong cách Gunbound.
Nhưng hiện tại khi nhắc về Zing Me, người ta có một chút tiếc nuối cho một mạng xã hội “Made in Vietnam” đúng nghĩa đã từng thịnh vượng, mặc dù vẫn có người đời bảo rằng: “Zing Me chỉ làm mỗi việc là sao chép từ Facebook” hoặc cho rằng đây là một mạng xã hội chỉ dành cho lũ game thủ con nít đang tập lớn.
Đến thời điểm này, nhìn vào thực trạng mạng xã hội Việt hiện tại, tuy rằng đã có được những cái tên gây ra được tiếng vang lớn, nhưng để đạt được sức ảnh hưởng tương tự như “người khổng lồ” Zing Me trong quá khứ, sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Và nếu nói phũ thẳng ra, có thể Gapo hay Lotus sẽ không thể bứt lên được, vì hiện tại, các nền tảng mạng xã hội ngoại đang chiếm thị phần áp đảo trên thị trường, những cái tên “ngoại” đó là Facebook, Instagram, Twitter hay như Youtube - hoạt động tương tự như một mạng xã hội và Tiktok.
Người ta chỉ ra nguyên nhân thất bại của Zing Me là việc VNG muốn tập trung vào Zalo, một ứng dụng nhắn tin, gọi điện và Zing MP3, một nền tảng nghe nhạc trực tuyến hay cả Zing News, một trang báo điện tử. Bấy giờ, năm 2012, Google Adplanner chỉ ra rằng Facebook đã chính thức vượt mặt Zing Me tại thị trường Việt Nam, nguồn tài chính của Facebook là quá khổng lồ, VNG nhìn ra rằng nếu theo đuổi tiếp tham vọng “đập nhau” với Facebook, đây có thể là một cuộc chiến rất hao tiền tốn của và có thể là không thắng được, VNG phải chuyển hướng đi, Zing Me trở thành con ghẻ, Zalo trở thành chủ lực và đến giờ công ty sở hữu ứng dụng này đã được định giá trên 2 tỷ USD.
Thất bại của Zing Me, làm mình liên tưởng đến thất bại của Vinaxuki, mình thực sự nhớ cái tên này vì một phần tuổi thơ của mình, gắn bó với chiếc xe Vinaxuki của gia đình đi đánh hàng nông sản khắp Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Vinaxuki thất bại vì ông chủ của hãng “ngông” quá, nhưng đây là một cái ngông mà người ta sẽ dành nhiều phần thương hại hơn là chê trách, vì đó là cái ngông trong việc tìm hướng đi cho xe Việt, tạo ra một thương hiệu xe Việt, giữ lại thị trường Việt cho người Việt. Mới cách đây hơn một tháng thôi, BIDV tuyên bố bán đấu giá khoản nợ 1300 tỷ của Vinaxuki, với vụ việc này, Vinaxuki từ việc “leo lắt chờ chết” thành chết hẳn.
Zing Me hay Vinaxuki từng đem lại rất nhiều hy vọng và cũng rất nhiều thất vọng, nhưng tuyệt nhiên khi nhắc lại hai cái tên này, người ta sẽ đáng buồn, đáng nhớ nhiều hơn là đáng chê. Có những sự thất vọng làm người ta day dứt mãi,
Nhưng cũng có những hy vọng sau đó gây ra nỗi thất vọng lớn rồi khiến người ta khiển trách như PUBG - một tựa game bắn súng sinh tồn đã từng làm mưa làm gió khoảng vài năm trước, từng có thời điểm, PUBG trở thành “tiêu chuẩn vàng” để các nhà phát hành game nhìn vào để phát triển cộng đồng, rồi cấu hình chơi PUBG là “hình mẫu” cho việc chọn mua PC chơi game của giới game thủ. Cũng chính PUBG tạo ra làn sóng “streamer” - những game thủ chơi game trực tuyến cho nhiều người xem trên các nền tảng stream.
Nhưng PUBG trở thành “dead game” vì hãng này đã quá chủ quan khinh địch, xem thường đối thủ và người chơi, hack/cheat tràn lan cùng thái độ thiếu thiện chí của đội ngũ phát hành, ngoài ra, PUBG gặp phải quá nhiều đối thủ cạnh tranh, đó là Rules of Survival, Knives Out, Fortnite, Apex, ngoài ra, hãng còn tự tạo ra một sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với phiên bản PUBG PC trên Steam là PUBG Mobile, thậm chí dành nhiều nguồn lực hơn cho PUBG Mobile.
Một trong những streamer mà mình rất ít khi xem nhưng lại dành nhiều thiện cảm là Thầy Giáo Ba (tên thật là Phan Tấn Trung) hay còn gọi là Ba Gà. Trước khi trở thành streamer, Ba Gà là một game thủ chuyên nghiệp trong bộ môn Liên Minh Huyền Thoại, thực ra nếu xét về thành tích thi đấu, Ba Gà không phải là một game thủ đáng được nhắc đến, nhưng Ba Gà lại một ví dụ tiêu biểu cho việc “vượt khó” từ “Zero trở thành Hero”. Nếu qua bài viết này, các bạn tìm đến kênh của Ba Gà, thì mình xin nói trước là rất khó để xem, vì thanh niên này chửi tục nhiều, nhưng cái mà mình dành sự ngưỡng mộ cho thanh niên này là thái độ vượt khó, sự tôn trọng người xem, hết mình vì công việc và giữ được thái độ thật thà, đơn giản, không cầu kỳ và mang đậm tính giải trí.
Mình thấy phục Ba Gà, có khá nhiều người xem khi donate cho Ba Gà thường có những tục tĩu, chửi bới, thậm chí lăng mạ, nhưng thanh niên này vẫn khá bình thản, cám ơn từng người donate dù khoản tiền ấy có khi chỉ vài ngàn đồng. Trong một buổi streamer, Ba Gà nói, mình không nhớ rõ lắm nhưng đại khái rằng đằng sau thanh niên này còn là gia đình và con cái, và việc Ba Gà ngồi đây để nghe những người xem “chửi bới”, một phần vì chính thanh niên ấy, phần lớn khác vì gia đình.
Mình có đọc được một bài báo nói về việc các tập đoàn lớn xin Chính phủ trợ giúp trong thời buổi gặp khó khăn vì dịch bệnh, có một bình luận nhận được rất nhiều đồng tình: Thế lúc các ông lãi lớn, các ông có chia cho chúng tôi không?
Mình xin phép bỏ ngỏ câu hỏi trên và nói tiếp về PUBG Mobile, hầu như ai cũng biết đến tựa game này rồi, nhưng ở Việt Nam, còn có một tựa game không tỏ ra thua kém PUBG Mobile về mặt số lượng người chơi, thậm chí ở thị trường toàn cầu, tựa game này cũng tạo ra được nhiều thành tựu rất đáng kể khi đạt được cột mốc 500 triệu lượt tải về trên nền tảng Android, khoảng 450 triệu tài khoản được đăng ký và trở thành tựa game “đầu tiên do đội ngũ người Việt phát triển” có doanh thu 1 tỷ USD ở khắp toàn cầu. Freefire so với PUBG Mobile thế nào? Đồ họa kém hơn, cách chơi kém hấp dẫn hơn, được phát triển bởi một studio kém tên tuổi hơn nhưng điều mà Freefire có được là độ tương thích cao, phù hợp với nhiều đời máy, cách chơi đơn giản và dễ tiếp cận. Rõ ràng, Freefire có những nét hay ho của riêng nó mà PUBG Mobile không có được, chúng ta không thể đánh giá Freefire qua điểm mạnh của PUBG Mobile và rồi cho rằng đây là một tựa game kém cỏi.
Rồi chuyện Vingroup sản xuất máy thở và máy trợ thở chẳng hạn, đáng nhẽ chúng ta phải vui mừng vì Việt Nam có thể sản xuất thiết bị y tế đang được ưa chuộng bậc nhất toàn cầu trong đại dịch, vừa có thể chủ động trong công tác phòng chống dịch lâu dài, vừa có thể xuất khẩu sang các nước khác. Nhưng với nhiều người, điều này lại chẳng đáng tự hào vì sản phẩm của Vingroup vẫn là “đi mua công nghệ lõi”, việc đơn vị này làm chỉ là việc “hoán cải” và gắn mác “Made in Vietnam” vào thiết bị. Vingroup vẫn bị chửi như thế qua bao nhiêu ngày tháng qua, từ việc những chiếc smartphone “sao trông giống Meizu thế” rồi việc những chiếc xe hơi mang máy móc của BMW, ngoại thất của Pininfarina nhưng nội thất lại thua xe Tàu.
Vinaxuki đã thất bại, nhưng những di sản về mặt tư tưởng của Vinaxuki đã được “đàn em” Vinfast hay Thaco thừa kế. Vinfast tập trung vào phân khúc gia đình, Thaco tập trung vào việc lắp ráp nhưng cũng đã có những sản phẩm xe tải, xe khách mang thương hiệu riêng. Vinaxuki là tiêu biểu của câu nói: “Không thành công cũng thành nhân”, mặc dù cái “thành nhân” này phải trả giá khá đắt.
Zing Me cũng đã thất bại trước Facebook, nhưng nghĩ phấn khởi một chút, gã tí hon David cũng có thể thắng được gã khổng lồ Goliath mà, có ai ngờ rằng Đan Mạch vượt qua các ông lớn khác như Ý, Đức, Pháp để lên ngôi Euro 1992 đâu? Hoặc gã tí hon Leicester City vô địch EPL năm 2016 trước mặt Arsenal, Man City, chẳng hạn. Mặc dù thị trường mạng xã hội Việt Nam đã bị thâu tóm bởi các mạng xã hội ngoại, nhưng Gapo hay Lotus vẫn chiến đấu kế thừa những gì mà Zing Me đã để lại, đó là khát vọng về một mạng xã hội Việt, như bộ trưởng Hùng đã nói. Đôi khi phải nhìn nhận, khi các mạng xã hội “Made in Vietnam” đối đầu với Facebook, kết quả thất bại sẽ cao hơn, dẫn đến hoàn cảnh “gục lên súng mũ bỏ quên đời”.
Từ những ngày khởi nguồn chỉ có 40 nhân sự, Viettel đã trở thành tập đoàn lớn mạnh nhất Việt Nam với hàng chục ngàn nhân viên trên toàn cầu, là biểu trưng cho khát vọng tiến ra thế giới của Việt Nam.
Rồi chuyện hơn 400 triệu chiếc khẩu trang “Made in Vietnam” sẽ bay ra khắp các điểm nóng đại dịch trong thời gian tới, nhiều người nhìn vào sẽ bảo đây chỉ là những chiếc khẩu trang vải đơn giản, chẳng mang hàm lượng trí tuệ nào, nhưng bất cứ một sự trưởng thành nào, cũng bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Ai lớn mà chẳng phải trải qua tuổi xoa bầu vú mẹ? Những chiếc khẩu trang vải này đang làm một nhiệm vụ “giải cứu thế giới”, nghe có vẻ to tát lắm đúng không? Nhưng đang là sự thực đấy.
Ba Gà từng stream trong một căn gác nhỏ chật hẹp nóng bức, số lượng người xem stream của gã từng có lúc chỉ trăm người rồi vươn đến hàng ngàn, có khi vượt chục ngàn người xem trực tuyến như thời điểm hiện tại. Tại sao mình lại lấy ví dụ từ Ba Gà chứ không phải từ các stream khác, vì giai đoạn đầu tiên đến với nghề stream của gã khó khăn, áp lực gia đình, vợ con, nhưng đến giờ, gã đã vươn lên thành công, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng, rất giải trí.
Trở lại câu hỏi bên trên, thế lúc các ông lãi lớn, các ông có chia cho chúng tôi không? Nhưng các tập đoàn này đâu có xin cho riêng họ mà họ còn xin cho hàng trăm ngàn công nhân khác và bấy nhiêu những gia đình, người thân của các công nhân ấy nữa. Rồi nguồn tiền này có thể giúp họ vượt qua khó khăn trong đại dịch này, trở lại tái sản xuất nhanh hơn trong bối cảnh nền sản xuất thế giới đang điêu đứng. Thế giới chi khoảng 3000 tỷ USD để hỗ trợ hồi phục kinh tế, Việt Nam vẫn đang phát triển, số tiền mà Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nền kinh tế chưa bằng được 1% con số lớn kể trên.
Nếu ai cũng nghĩ đến việc "cho mình mặc người" thì Việt Nam giờ đây sẽ không thể nào đứng vững trước đại dịch thế này và cũng không thể đóng vai trò trở thành một điểm tựa dù nhỏ bé với thế giới.
Đôi khi cũng may vì có đại dịch này, chúng ta nhìn ra được nhiều điều, có những điều chưa được và có những điều không được. Có rất nhiều những khó khăn, nhưng cũng có những cơ hội sẽ đến.
Covid-19 khiến các nước tiên tiến, phát triển phải thở dốc, phải sợ hãi, nhưng ở Việt Nam, gần trăm triệu người vẫn có thể sống khỏe, an tâm. Đâu có ai nghĩ rằng một căn bệnh không nguy hiểm bằng "cúm mùa" có thể khiến thế giới chao đảo như vậy?
"Made in Vietnam" là cụm từ để nói về "hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam", đó là có thể là những sản phẩm đơn giản như chiếc khẩu trang, gói mì tôm, gói bột canh, có thể là những sản phẩm ô tô, có thể là chiếc máy thở... Miễn là chúng được sản xuất tại Việt Nam, có đa phần hoặc một phần cống hiến về trí tuệ và sức lực người Việt. "Made in Vietnam", còn là biểu trưng cho sự vươn lên, đoàn kết, hòa nhập và phát triển vào thế giới.
Năm 2050, Việt Nam được dự báo sẽ cơ bản sẽ trở thành một nước phát triển, có những người cho rằng đó là những thống kê lộng ngôn, có những người lại tin tưởng, có những người nửa tin nửa ngờ. Nhưng trong những giờ phút thế này, nhìn cách chúng ta vượt qua đại dịch, thì mình lại tin tưởng vào điều đó hơn.
#tifosi
- Không sử dụng vào mục đích thương mại.
Search