Giải mã những hình vẽ ẩn hiện như ma ở vách đá Ninh Bình
Sau 2 năm chờ đợi, tôi cũng được tận mắt chiêm ngưỡng một câu chuyện vô cùng bí ẩn, vô cùng hấp dẫn, đặc biệt, đó là những bức họa kỳ lạ, ẩn hiện ma quái trên một mái đá thuộc một dãy núi đá trồi lên giữa bãi lầy ngập nước…
Cách đây 2 năm, trong lần đi thăm chùa Bái Đính, khi đó còn là một công trường ngổn ngang với tượng đá lăn lóc, gỗ lim chềnh ềnh, anh bạn đồng nghiệp ở Ninh Bình có tặng tôi bản thảo một tập tài liệu nghiên cứu về Hang Động, mà theo anh rất có giá trị. Tài liệu này có tên hơi dài: “Báo cáo kết quả nghiên cứu cơ sở khoa học và giải pháp khai thác tiềm năng hang động Karst phục vụ phát triển du lịch khu vực Tam Điệp - Yên Mô - Kênh Gà - Vân Trình - Vân Long, tỉnh Ninh Bình, 2006”. Người chủ trì đề tài là Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên.
Tài liệu toàn nói về các hang động, với rất nhiều thứ lý thú. Những thạch nhũ đẹp kỳ quái, những bức tượng phật chìm trong vách đá, nơi cư trú của người cổ từ hàng vạn năm trước.
Trong số các hang động được giới thiệu, tôi chú ý đến cái hang có tên không được thơm tho cho lắm: Hang Thúi Thó. Hang được định vị chính xác tuyệt đối trên bản đồ với số liệu kinh tuyến, vĩ tuyến chi tiết. Địa điểm hang thuộc xã Gia Vân, (Gia Viễn, Ninh Bình), nơi có khu ngập nước nổi tiếng mang tên Vân Long, cùng đàn voọc mặc quần đùi (cách gọi yêu loài vọc mông trắng, vì trông xa như thể nó mặc quần đùi trắng).
Hang động được Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên giới thiệu ngắn gọn thế này: “Hang phân bố ngay sát mặt nước. Đáy hang cao 30cm so với mặt ruộng. Cửa hang quay 130 độ. Trần hang cao 7-8m. Hang có hình vòm cung. Hang khô, không có nước, xếp vào loại tàn dư, thuộc thời kỳ cuối của giai đoạn phát triển karst. Hang này có nét độc đáo là tại vách hang bên trái có một tầng văn hóa gồm các mảnh sò, ốc do người Việt cổ ăn để lại. Ngoài ra, dưới đáy hang còn tồn tại một tảng trầm tích bao gồm các mảnh vỏ hàu, hà gắn kết với nhau rất chặt. Đây là di tích của một đợt biển tiến trong Holocen. Tầng trầm tích này nằm ngay trên nền hang, có nhiều khả năng bị sập xuống. Đánh giá: Hang có giá trị về mặt văn hóa – lịch sử như là một chứng tích của người Việt cổ xưa”.
Sẽ chẳng có gì đáng chú ý ngoài cái tên lạ Thúi Thó, nếu như phần cuối của đoạn giới thiệu, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên không có thêm dòng chữ có nội dung đại để: “Tại dãy núi có hang Thúi Thó, có một vách đá xuất hiện những hình vẽ cổ, kỳ lạ, như những bức bích họa”.
Đọc được dòng chữ hình vẽ cổ như những bích họa, lòng tôi chợt xốn xang. Tôi đã đến vô vàn hang động, từ nhỏ bé đến kỳ vĩ, từ không có người ở đến những hang có nhiều trầm tích, đến hàng trăm mái đá kỳ vĩ, đẹp đẽ, song chưa từng nghe ở đâu có bích họa trên đá. Có chăng, chỉ là những hình khắc, mà sự phát hiện ra hình khắc trên đá, cũng là quý giá lắm rồi, ở Việt Nam có mấy nơi có hình khắc trên đá đâu.
Lại nhớ đến cảnh tôi phải mất mấy ngày giời cuốc bộ trong rừng Hoàng Liên Sơn, để được tận mắt mấy tảng đá có hình khắc. Phải nói thẳng rằng, những hình khắc còn sơ khai quá, ít giá trị nghệ thuật. Ấy thế mà, khi đem những tấm ảnh đó cho PGS – TS. Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học (Viện Khảo cổ học Việt Nam), ông rưng rưng xúc động. Vị tiến sĩ khả kính kéo cặp kính trễ nải phân tích từng đường cong của hình khắc mà tôi chụp với sự hào hứng tột độ. Bao nhiêu ý nghĩa của lịch sử, văn hóa, đời sống, ý tưởng, của sự cách điệu hiện về trong những lý giải giàu chất khoa học của ông. Thế mới biết, trong cảnh nghèo nàn của những giá trị di sản, dù vài nét nguệch ngoạc trên đá cũng quý lắm.
Trở lại câu chuyện về mấy dòng chữ nhắc đến trong báo cáo khoa học của Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên. Sau khi đọc được mấy dòng chữ đó, tôi đã về ngay Ninh Bình để tìm hiểu. Nhưng rồi, tôi đã phải thất vọng, vì những bức họa đó là… bí mật cấp tỉnh! Mà đã là bí mật, thì được xem cũng khó, nói gì đến chuyện đưa lên báo cho cả thế giới biết.
Quả thực, nói là bí mật cũng phải, vì cả nước Việt Nam, chưa từng nghe nói ở đâu có bích họa trên đá. Dân trí nước mình trong việc bảo vệ di sản có thể nói là kém nhất thế giới. Nói thế thì hơi tủi, nhưng chả ngoa tí nào. Đến hệ thống lăng mộ vua Trần uy nghi, lộng lẫy như thế, người ta còn phá nát. Kẻ trộm thì đục đẽo tượng, đập nát cả chân tảng kê cột xem có kho báu không, còn chính quyền thì ủi cả lăng mộ đi, lấy đá, tượng làm kè, đắp đập thủy lợi nhấn chìm mộ… Thôi thì đủ kiểu tàn phá.
Cứ xem bãi đá cổ có hình khắc ở Sapa thì đủ biết ý thức bảo vệ di tích của nhân dân ta “tốt” đến cỡ nào. Khi phát hiện bãi đá cổ, các nhà khoa học nước ngoài trân trọng nghiên cứu, bảo vệ, còn chúng ta thì thi nhau phá. Cán bộ thì đánh mìn phá đá làm đường, còn người dân biến tảng đá có hình khắc thành cầu trượt, khách du lịch thì tranh thủ khắc lên đó vài chữ trai gái lồng vào nhau, chim bồ câu cắn mỏ, mũi tên xuyên thủng trái tim rỉ máu...
Nhớ lần người rừng Trần Ngọc Lâm dẫn tôi vào Hoàng Liên Sơn xem bãi đá có hình khắc chưa từng biết đến, ông bảo: “Tôi chả tin các nhà khoa học Việt Nam bảo vệ được cái gì. Họ chỉ giỏi nghiên cứu, làm dự án kiếm tiền. Xong rồi thì bỏ mặc cho dân phá. Cách bảo vệ di sản tốt nhất là… không nghiên cứu, không công bố, cứ để mặc kệ nó ở đó!”. Cái cách bảo vệ di sản của ông Lâm thật chả giống nước nào trên thế giới, nhưng có lẽ, ở môi trường này, đó là cách tốt nhất! Sở dĩ, ông dẫn tôi đi xem bãi đá, là để ông nói lên một tiếng, cho đất nước biết rằng, chúng ta có thêm một bãi đá có hình khắc. Mục đích chỉ có thế thôi. Giờ bãi đá lại chìm vào rừng thẳm, sẽ được bảo tồn cả ngàn năm nữa, chứ không thảm hại như bãi đá Sapa, giờ mất sạch rồi.
Đã có lúc, máu khám phá nổi lên, tôi định bụng đi dọc những ngọn núi ở Vân Long, tìm cho kỳ được những bức vẽ ấy, nhưng quả thực, chả khác nào mò kim đáy bể. Ngay việc chui vào khu bảo tồn loài voọc chỉ còn lại duy nhất mấy chục con trên toàn thế giới đã là khó, nói gì đi tìm những bức bích họa. Bởi vì, theo lời kể của Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên, trong hoàn cảnh bình thường, những bức bích họa kia chìm trong đá, không ai nhìn thấy. Chỉ khi nào té nước lên vách đá, nó mới hiện lên. Chẳng lẽ, tôi lại đi tìm từng vách đá, rồi xách nước lên té?
Không được chiêm ngưỡng bích họa trên đá duy nhất ở Việt Nam, quả thực, nhiều đêm khó ngủ. Hễ nhắm mắt lại, những bức bích họa màu đỏ trong những lăng mộ vua chúa Ai Cập lại hiện lên rõ mồn một, với đủ hình thù người đóng khố, đội mũ cầm dao kiếm, hoặc cảnh đàn bà múa may quay cuồng…
Nhớ lại cái lần cách đây mấy năm, khi nghe tin trong Vườn Quốc gia Cúc Phương (Nho Quan, Ninh Bình), các cán bộ kiểm lâm phát hiện ra hóa thạch khủng long trên vách đá, cũng tương tự như chuyện bích họa trên đá này. Sau nhiều năm thăm dò, thuyết phục, để tạo sự tin tưởng, tôi mới được lãnh đạo của Vườn cho đi xem, với lời hứa: Không tiết lộ địa điểm trên báo.
Để được tận mắt những bích họa duy nhất ở Việt Nam này, đành phải kỳ công thuyết phục. Rồi cuối cùng, sau 2 năm chờ đợi, tôi cũng được tận mắt chiêm ngưỡng một câu chuyện vô cùng bí ẩn, vô cùng hấp dẫn, đặc biệt, đó là những bức họa kỳ lạ, ẩn hiện ma quái trên một mái đá thuộc một dãy núi đá trồi lên giữa bãi lầy ngập nước…
Ngỡ ngàng những bích họa bí ẩn trên núi Cửa Chùa
Sau khi hứa lên bờ xuống ruộng rằng không tiết lộ cụ thể địa điểm có hình vẽ bí ẩn trên vách đá, tôi được Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên giới thiệu tới ông Trần Xuân Quang, Trạm trưởng trạm du lịch Vân Long. Theo Thạc sĩ Luyên, ông Quang là một trong số ít người biết rõ vách đá có hình vẽ bí ẩn, độc nhất được biết đến ở Việt Nam.
Sau phút ngần ngừ, rồi ông Quang cũng gọi anh Nguyễn Văn Nhàn, là cộng tác viên của khu du lịch, có nhiệm vụ tuần tra kiểm soát người ra vào, trông nom đàn voọc trong những dãy núi của khu ngập nước Vân Long.
Anh Nguyễn Văn Nhàn chống sào đẩy con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên đầm Vân Long. Cảnh tượng núi đá mọc lên giữa khu ngập nước, soi bóng lung linh, với sen tỏa ngát hương, chả khác nào bồng lai dưới hạ giới.
Dãy núi Cửa Chùa dài gần cây số, là một trong số cả chục dãy núi thuộc khu ngập nước Vân Long, vắt qua hai tỉnh Ninh Bình và Hòa Bình, rộng vài ngàn héc-ta. Toàn bộ các dãy núi đều là núi đá vôi, với vô vàn vách đá phản ánh mặt trời trắng xóa. Nếu không có sự chỉ dẫn, tự lần mò đi tìm, chắc cả năm cũng thấy hình vẽ ở đâu.
Con đường từ bến thuyền đến núi Cửa Chùa chỉ dài chưa đầy 1km, song Nhàn phải chèo thuyền ngót 30 phút mới tới nơi. Lâu ngày không có người ra vào dãy núi này, sen mọc bít lối đi. Nhàn phải đẩy thuyền cật lực mới đè bẹp được những lá sen to như cái ô để thuyền lướt đi.
Toàn bộ dãy núi Cửa Chùa cỏ mọc rậm rịt, dây leo chằng chịt. Thi thoảng có những vách đá trống trơn, phải chiếu ánh mặt trời trắng xóa, không có cây cỏ nào bám lên được. Chúng tôi chỉ trỏ hết vách đá này đến vách đá kia để phán đoán nơi có những bích họa lạ lùng, song Nhàn chỉ cười tủm tỉm.
Rồi con thuyền cũng cập chân núi. Nơi đây, có một bãi đất khá bằng phẳng, khô ráo, rộng rãi và sạch sẽ. Vách đá như một bức tường thành khổng lồ, nghiêng chừng 70 độ, như thể sắp đổ ụp xuống.
Nhàn chỉ tay lên vách đá rộng vài trăm mét vuông bảo: “Anh đi tìm xem hình vẽ ở chỗ nào”. Tôi lần mò khắp vách đá, ngửa mỏi cổ nhìn lên cao, vạch từng bụi cỏ song tuyệt nhiên chả thấy có hình vẽ, hình khắc nào cả. Có chăng, chỉ thấy vài vết vạch nguệch ngoạc như ai đó dùng dao chém vào.
Nhàn chẳng nói chẳng rằng ra mép đầm hái một lá sen to tướng rồi vục đầy nước. Nước đầm trong đến nỗi nhìn rõ cả con cá bé xíu bằng cọng tăm bơi lội. Nhàn bê bịch nước đứng dưới chân vách đá bảo: “Anh nhìn kỹ nhé, toàn bộ vách đá màu trắng, sần sùi tự nhiên, không có tranh vẽ gì cả”. Thì đúng là vách đá chẳng có gì, bởi tôi đã lần mò tìm kiếm kỹ lưỡng một lượt.
Nhàn ráng sức té bịch nước lên vách đá. Một cảnh tượng như ma thuật hiện ra trước mắt tôi: Từ vách đá sần sùi, trắng xóa dần hiện lên những vệt đỏ ối. Nước chảy đến đâu, sắc đỏ xuất hiện đến đó và theo thời gian màu đậm dần lên. Khi dòng nước chảy hết một khoảnh trên phiến đá, thì hình ảnh một người đàn ông to lớn, dũng mãnh, dữ dằn hiện lên đỏ rực.
Người đàn ông này có khuôn mặt tròn xoe, hai mắt là hình vẽ tròn như hai hòn bi ve, đôi tai rất lớn và mái tóc trông như ngọn lửa đang cháy. Nhìn toàn bộ khuôn mặt, thì có thể thấy người vẽ muốn biểu đạt đây là người kỳ quái, hung tợn.
Lạ nhất là phần khắc họa bụng. Những nét vẽ ở bụng như kiểu giải phẫu, với xương sườn và nội tạng. Tuy nhiên, vì nét vẽ không chi tiết, rõ ràng, nên cũng có thể hiểu đó là áo giáp.
Riêng hình vẽ phần chân thì mang tính cách điệu nhiều hơn là tả thực. Đôi chân khá nhỏ, đứng trong tư thế… xiêu vẹo. Bàn chân thì không có, nhưng các ngón chân thì dài và ngoằn ngoèo như thể rễ cây. Không rõ phần chân của người đàn ông này muốn biểu thị điều gì, hay là sự ngô nghê của con trẻ khi đặt bút? Khả năng ngô nghê ít xảy ra, bởi hai điều, thứ nhất là địa điểm vẽ khá cao, trên vách đá, mà người lớn phải kiễng chân mới với tới được, thứ hai, chất liệu vẽ trên đá không phải là sơn hay mực tầm thường (điều này sẽ nói sau). Như vậy, đôi chân kỳ quái của người đàn ông này phải biểu thị một ý tưởng nào đó, cần sự giải mã của các nhà khoa học.
Hai tay người đàn ông này cầm hai thứ vũ khí khác nhau. Tay phải cầm quả chùy cán dài, tay trái cầm thanh đao và giương ra hai bên như thể đe dọa. Xét về mặt tổng thể, có thể tưởng tượng đây là một chiến binh.
Sau khi quan sát kỹ lưỡng bức họa người đàn ông kỳ dị, tôi dùng chai nước khoáng bằng nhựa múc nước dưới đầm rồi phụt bừa lên vách đá. Nước chảy đến đâu, các nét đỏ ối hiện lên đến đó. Chỗ nào nhiều nước thì màu đậm, chỗ nào ít nước thì màu hiện lên mờ nhạt. Chỉ dội qua một lượt, tôi đếm được tới vài chục hình vẽ. Các hình vẽ khác đều có tiết diện nhỏ hơn so với hình vẽ người đàn ông dữ tợn.
Những hình vẽ trên mái đá không theo một thể thống nhất, xuất hiện lộn xộn và rải rác khắp mọi nơi. Có chỗ các hình vẽ tập trung dày đặc, có chỗ lưa thưa vài hình, có chỗ chẳng có hình vẽ nào.
Có hai nội dung mà các hình vẽ biểu thị, gồm hình người và ký tự lạ. Các ký tự xuất hiện rất nhiều, có chữ hơi giống chữ Nho, song có chữ như thể tượng hình tả một con vật nào đó. Liệu đây có phải là một loại chữ cổ thời xa xưa? Nếu đây là hệ thống chữ cổ, thì quả là một thông tin vô cùng quý giá.
Về hình người thì có vô số hình vẽ khác nhau, có hình cầu kỳ phức tạp, với đầy đủ tay chân, đầu tóc, vũ khí, song có hình rất đơn giản, chỉ gồm cái đầu tròn xoe và thân hình bầu, thêm mỗi cái tay nữa.
Có hình tôi nhìn mãi mà không biết chủ nhân vẽ người, khỉ hay mèo. Nhìn ở một cách toàn diện, thì vừa giống khỉ vừa giống người, nhưng nhìn riêng khuôn mặt thì lại rõ là con mèo.
Phổ biến nhất có lẽ là hình người, gồm cả trai lẫn gái nhảy múa bên nhau, rồi hình người tay cầm dao kiếm.
Lạ nhất là một khu vực dày đặc người, nhảy múa có hàng có lối. Phía trên cùng là một người đang ngồi không rõ trên ghế hay ngai vàng. Hình nhìn vẽ này, có thể liên tưởng người ngồi trên ghế là ông chủ, vua chúa, đấng tối cao. Tuy nhiên, người ngồi trên ghế lại giống một đứa trẻ, đầu đội mũ, miệng cười rất tươi.
Nhìn các hình vẽ, có thể thấy nhiều sắc thái, nhiều khung cảnh hiện lên. Đó có thể là mô tả về chiến tranh, về đời sống thường nhật, về các lễ hội… Tôi cứ vục nước té lên khắp mái đá, để rồi ngắm nhìn không chán mắt những bích họa ma quái, kỳ lạ, lúc ẩn, lúc hiện trên vách đá.
Hình vẽ ma quỷ hay bản đồ kho báu?
Cho đến lúc này, những hình vẽ trên mái đá thuộc dãy núi Cửa Chùa (Gia Vân, Gia Viễn, Ninh Bình) vẫn hoàn toàn bí ẩn, chưa được nghiên cứu, giải mã gì cả. Người phát hiện và nghiên cứu rất sớm là Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên, Phó GĐ Sở VHTT&DL Ninh Bình. Tuy nhiên, trong các tài liệu nghiên cứu văn hóa của mình, Thạc sĩ Luyên cũng chỉ có vài dòng mô tả những bức họa này, chứ chưa đưa ra lời giải mã nào cả.
Tôi đề nghị Thạc sĩ Luyên tạm đưa ra lời giải thích theo ý mình, thì ông Luyên cho rằng, có thể những hình vẽ trên vách đá là chữ tượng hình cổ, rất sơ khai. Những hình vẽ này xuất hiện vào những thế kỷ đầu công nguyên. Về chất liệu để vẽ tranh thì ông Luyên chịu, không thể biết là gì. Chỉ biết rằng, chất liệu này rất đặc biệt, tồn lại hàng ngàn năm trên vách đá, chịu mưa nắng và sự phong hóa tự nhiên, song vẫn không phai mờ.
Qua quan sát của tôi, có hai dạng hình vẽ trên vách đá này, một dạng là những nét ngang dọc, cong lượn, khá giống chữ tượng hình, một dạng là hình vẽ mô tả người và các hành động. Những hình vẽ người rất đơn giản, sơ lược, mang tính cách điệu cao. Hình vẽ mô tả nhiều cảnh nhảy múa và đao kiếm, gồm cả nam, nữ, già trẻ. Xét ở góc độ nào đó, cũng có thể suy diễn đây là một hình thức tế lễ tối cổ của thời bộ tộc, bộ lạc xa xưa.
Việc giải mã các bức họa có lẽ giành cho các nhà khoa học có chuyên môn sâu. Nhưng chuyện thú vị nhất với tôi là chất liệu để tạo nên những bích họa bí ẩn này cũng như những truyền thuyết mà người dân kể quanh nó.
Như đã nói ở kỳ trước, trong hoàn cảnh bình thường, không hề nhìn thấy bích họa đâu, trên vách đá chỉ một màu trắng, xám của đá, thế nhưng, khi dội nước thì màu đỏ ối dần hiện lên. Dội nước càng nhiều, màu đỏ càng sắc nét và khi nước trên vách đá khô dần, thì bích họa cũng mờ dần, nước khô hẳn, thì bích họa cũng biến mất hoàn toàn, như thể lặn sâu vào vách đá.
Theo ông Trần Xuân Quang, Trạm trưởng Trạm du lịch Vân Long, những bích họa trên mái đá này vốn được người dân trong vùng phát hiện rất lâu rồi, từ đầu thế kỷ 20. Chuyện rằng, người dân địa phương khi đi mò cua bắt ốc ở đầm, gặp mưa giông, đã chạy vào mái đá trú ẩn. Gió mạnh tạt nước mưa vào vách đá khiến những hình thù quái lạ hiện ra đỏ ối. Chính sự ẩn hiện của bích họa liên quan đến nước, mà người dân trong vùng đồn rằng đây là những hình vẽ của ma quỷ.
Lời đồn về hình vẽ của ma quỷ càng được người dân tin, khi cách đây 10 năm, một người đã bỏ làng vào vách đá này dựng nhà tạm và sống như một đạo sĩ. Tuy nhiên, cứ đêm ngủ, anh ta lại “thấy” những hồn ma đỏ chót như hình vẽ nhảy múa trước mặt, dao kiếm loảng xoảng, rồi tiếng cười nói quái quỷ văng vẳng bên tai. Sợ quá, anh này đập nhà trở về làng sinh sống. Dấu tích căn nhà hiện vẫn còn ngay cạnh mái đá.
Thanh niên ở quanh vùng gần như không biết đến sự tồn tại của những hình vẽ này, còn người già thì kể chuyện đó là hình vẽ của ma quỷ, nên chẳng ai dám mò vào vách đá Cửa Chùa để xem hình vẽ nữa. Cứ như thế, bao năm qua, những bích họa bí ẩn này bị bỏ quên hoàn toàn.
Cũng có một số lời đồn khác, rằng đây là hình vẽ của người xưa mô tả về loài khỉ và voọc. Sở dĩ, người ta suy luận như vậy, vì dãy núi Cửa Chùa án ngữ trước mặt các dãy núi phía trong của khu ngập nước Vân Long, nơi loài voọc kỳ lạ và rất nhiều khỉ sinh sống. Ông Quang cho biết, thời kỳ chống Pháp, khu vực này còn rất hoang vu, khỉ sống thành đàn trên núi Cửa Chùa và thường xuyên trèo lên cây xoài cổ thụ cách mái đá không xa để hái quả ăn. Phụ nữ chèo thuyền vào núi lấy xoài còn bị bọn khỉ trêu ghẹo cướp cả nón. Những hình vẽ trên vách đá cũng tả cảnh dữ dằn, nhảy múa, nô đùa, nghịch ngợm, rất nhiều hình vừa giống người lại vừa giống thú, nên suy luận đó cũng có chút cơ sở.
Theo ông Trần Xuân Quang, lời đồn đoán nhiều nhất về những hình vẽ trên mái đá này liên quan đến một kho báu bí ẩn. Các cụ già trong làng kể rằng, thời Bắc thuộc, người phương Bắc sang đây cướp bóc của cải. Tuy nhiên, vì của cải nhiều quá, không đem về hết được, nên họ đã giấu vào lòng núi, sau đó vẽ một tấm bản đồ bằng những hình vẽ và các ký tự lạ, mà chỉ có họ mới hiểu được. Cùng với những bức họa lúc ẩn lúc hiện trên đá này, sẽ có một tấm bản đồ với các hình vẽ, ký tự như trên vách đá họ mang về phương Bắc, làm cơ sở cho con cháu sau này đi lấy.
Ngày trước, ngay tại mái đá này, có một ngôi chùa cổ, tồn tại hàng ngàn năm trước. Ngôi chùa áp vào mái đá. Tuy nhiên, không rõ do ai đập phá, nhưng nó biến mất từ đầu thế kỷ 20. Vì dãy núi này có một ngôi chùa, nên người dân mới gọi dãy núi là núi Cửa Chùa.
Ngôi chùa mất đi, nhưng một con rùa đá khổng lồ bị mất đầu thì vẫn nằm chềnh ềnh ngay dưới mái đá. Theo lời người dân, trước năm 1945, người Trung Quốc thường qua khu vực này quan sát các hình vẽ. Người dân trong vùng không biết họ làm gì, nhưng hành tung rất bí ẩn. Khi đám người Trung Quốc biến mất, thì con rùa đá khổng lồ cũng không còn nữa. Người dân tin rằng bên trong con rùa chứa kho báu nên họ đã tìm cách khiêng cả con rùa đi. Phải chăng vì những lời đồn miệng đó nên người dân nơi đây mới tin rằng, những bích họa trên vách đá là bản đồ kho báu?
Riêng tôi thì không tin lắm những chuyện đồn đại thêu dệt như vậy. Hầu như đến vùng đất nào, nhắc đến các di chỉ khảo cổ, người dân đều đồn rằng, từng có “người Tàu” đi săn lùng, đào bới kho báu. Trước năm 1954, người dân trong làng thường vào chân dãy núi này dựng lò lấy đá nung vôi. Ngay ông nội của ông Quang cũng có một lò nung vôi ở chân núi. Người dân chỉ việc đục đá trên núi tống vào lò là có vôi dùng. Rất may là người dân đều sợ hãi những hình vẽ trên vách đá này, nên họ không dám đục vách đá nung vôi. Nhưng rất có thể con rùa đá đã… chui vào lò và thành vôi rồi.
Bích họa chìm trong đá là khởi nghĩa Hai Bà Trưng?
Càng quan sát kỹ, tôi càng có cảm giác ma mị từ những hình vẽ bí ẩn này. Những hình vẽ như thể lặn sâu vào trong đá, hiện ra khi gặp nước, rồi lại chìm vào vĩnh cửu. Tôi xé mẩu giấy trắng, quẹt vào một đường nét nhỏ của một hình vẽ không quan trọng lắm, thì thấy hiện tượng lạ: màu đỏ thôi ra giấy như màu máu. Tuy nhiên, khi nước trên tờ giấy bị gió thổi khô, thì cái màu đỏ như màu máu ấy cũng nhạt dần rồi biến thành màu vàng nhờ nhờ của đá.
Việc quẹt mẩu giấy vào hình vẽ cũng thôi màu ra dễ dàng, vậy mà hình vẽ vẫn tồn tại rõ nét hàng trăm, hàng ngàn năm nay thì thật khó hiểu. Quan sát kỹ trên các bích họa, tôi thấy nhiều chỗ vết đá bị đục đẽo nham nhở, có chỗ bị đục sâu vào 1-2cm. Rõ ràng đó là vết đục chứ không phải vết vỡ tự nhiên. Nhưng điều lạ là các nét vẽ vẫn không mất đi dù bị đục phá.
Tôi thắc mắc điều này, thì Nguyễn Văn Nhàn, anh chàng lái đò giải thích rằng, ngày còn bé, chính Nhàn và đám bạn chăn trâu thường vào khu vực này bắt dơi, vặt xoài. Biết trên vách đá có những bích họa mà người lớn bảo là của ma quỷ, song Nhàn và đám bạn không sợ, cứ lấy dao, liềm đục phá, lấy đá cuội ghè, tìm cách phá hủy. Thôi thì đủ kiểu phá hoại, chỉ vì tính tò mò và ngứa tay của đám trẻ trâu.
Nhưng có điều kỳ lạ, là sau khi đục đẽo phá hoại chán chê, thậm chí không nhìn thấy những bích họa nữa, nhưng chỉ một thời gian sau, dội nước lên, lại thấy chúng hiện rõ mồn một, không mờ hơn trước tẹo nào. Phá chán không được thì thôi, sau này lớn lên, có ý thức, thì không ai phá hoại nữa. Trẻ nhỏ bây giờ cũng không biết đến sự tồn tại của các bích họa trong vách núi này, nên nó được bảo tồn khá tốt.
Quan sát kỹ, thì những hình vẽ này được vẽ trực tiếp lên mặt đá tự nhiên, không có dấu hiệu của sự mài dũa, tạo tác lại mặt vách đá, cũng không có dấu hiệu của vết xăm trên đá. Thế nhưng, chất liệu của hình vẽ này lại ngấm rất sâu trong đó, đến nỗi cạo, đục cũng không làm mất được nét vẽ. Tôi trộm nghĩ rằng, có lẽ, đây là bí quyết của người xưa, mà chất liệu vẽ của họ có khả năng ngấm sâu vào trong đá.
Một câu hỏi rất thú vị, nhưng không dễ gì có thể trả lời: Ai là truyền nhân của những hình vẽ bí ẩn trên vách núi Cửa Chùa này?
Núi Cửa Chùa cũng như hầu hết các dãy núi khác ở Ninh Bình là núi đá vôi, nên có rất nhiều hang động. Riêng núi Cửa Chùa cũng có vô số hang động rất sâu và thông với nhau. Cách khu vực mái đá có hình vẽ độ 70m có một khá hang sâu. Theo anh chàng lái đò Nguyễn Văn Nhàn, hang đá này có rất nhiều dơi. Thời trẻ, Nhàn thường cùng trẻ con trong xóm vào hang quây lưới bắt dơi. Tuy nhiên, hang này dốc đứng nên không xuống sâu được. Tôi thử ném đá vào trong, nghe rõ tiếng dơi bay u u trong động.
Trong số những hang động ở dãy núi Cửa Chùa, đáng chú ý nhất là hang Thú Thó, nằm ngay chân núi, cách mái đá có bích họa không xa lắm. Tại hang động, các nhà khoa học Ninh Bình đã phát hiện một số mảng trầm tích, cách ngày nay trên 10.000 năm ken dầy vỏ ốc suối, vỏ trai nước ngọt, ốc núi, xương thú... Như vậy, vào thời điểm cách ngày nay trên 10.000 năm đã có người cổ sinh sống và trú ngụ trong hang động này. Phải chăng, đây là những bích họa của người nguyên thủy? Dù sao, đây cũng là một giả thuyết, dù khó có thể tìm được cứ liệu để chứng minh.
Ngược về lịch sử hàng ngàn năm trước, vùng đất Vân Long mang nhiều huyền thoại. Đây là nơi sinh ra 4 nữ tướng của Hai Bà Trưng, thánh Nguyễn Minh Không (Không Lộ thiền sư) và vua Đinh Tiên Hoàng. Như vậy, Vân Long chính là vùng đất sinh vương, sinh thánh.
Cố GS. Trần Quốc Vượng từng có thời gian về đây nghiên cứu và theo ông đây là vùng đất cổ rất quan trọng, có nhiều truyền thuyết truyền lại trong dân gắn với các di tích lịch sử quan trọng, đặc biệt là thời kỳ Hai Bà Trưng và Đinh Tiên Hoàng, cần phải làm sáng rõ.
GS. Trần Quốc Vượng phát hiện ra một điều lạ, là tên làng, tên xã ở vùng đất này có nghĩa như địa danh hành chính quốc gia và chức vụ triều đình. Chẳng hạn như thôn Chi Lễ (là chức vụ tương đương chánh văn phòng), thôn Phù Long (nghĩa là đất triều đình), làng Mai Chung (hội nghị), Tập Ninh (quan võ), Chung Hòa (quan văn)… Rồi các loại cửa ra vào như Cung Quế, Cung Sỏi (cửa triều đình). Vườn thì có Long Viên Vườn, Vườn Thị, Vườn Trầu… Qua đây, có thể thấy, vùng đất này có liên quan đến triều đình thời Đinh Tiên Hoàng xưng vương.
Nhắc đến vùng đất Vân Long, phải nhắc đến Tứ vị Hồng Nương, 4 nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Ngày Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, 4 bà đã rời vùng quê Gia Viễn theo Hai Bà Trưng đi đánh giặc Hán. Ngày chiến thắng, đóng đô ở Phong Châu, do có công lớn đánh giặc, Bà Trưng ban thưởng cho 4 vị nữ tướng. Tuy nhiên, 4 bà không nhận châu báu, mà xin Bà Trưng miễn thuế cho dân chúng nơi 4 bà đi qua trong một ngày. Hai Bà Trưng đã cấp cho 4 nữ tướng quản lý mảnh đất mà 4 bà đi qua từ lúc mặt trời mọc, đến khi mặt trời lặn. Dân vùng đó không phải đóng thuế cho nhà nước vì đã có công sinh thành ra 4 vị nữ tướng tài ba.
Sau này, Bà Trưng về thăm Tứ vị Hồng Nương, thấy mảnh đất núi đồi nhấp nhô giữa cánh đồng ngập nước trắng xóa, như thể rồng lượn trên mây, nên đã đặt tên cho vùng đất là Vân Long. Năm 1996, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên, khi đó là giám đốc Khách sạn Hoa Lư, làm đề tài nghiên cứu về vùng đất ngập nước Gia Viễn để phát triển du lịch. Ông đã tập hợp các cụ già trong vùng để lấy ý kiến và thống nhất đặt tên vùng đất ngập nước rộng 3.500ha này là Vân Long, theo tên Hai Bà Trưng đặt khi xưa. Năm 1998, Khu bảo tồn ngập nước Vân Long được thành lập.
Tìm hiểu trong vùng, tôi nhận thấy rằng, ở vùng Vân Long này, làng nào cũng thờ Tứ vị Hồng Nương. Người dân trong vùng coi 4 bà như vị thánh, là mẹ của dân làng. Tổng số có đến 24 ngôi đề thờ 4 nữ tướng này ở Vân Long.
Xét rộng và sâu về lịch sử vùng Vân Long một chút, để có sự liên tưởng đến những bích họa trên mái đá dãy núi Cửa Chùa.
Các cụ già trong xóm đặt giả thuyết rằng, phải chăng, những bích họa trên núi có liên quan đến việc vua Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân? Hình ảnh người to lớn tay cầm trùy, tay cầm đao là tướng, còn những người nhỏ nhảy múa reo hò, rồi tay cầm vũ khí là quân, ăn mừng chiến thắng?
Trong quá trình tìm hiểu về bích họa trên đá, tôi may mắn có được tập tài liệu đã dịch ra tiếng Việt, do TS. Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cung cấp. Theo tài liệu này, thì vùng Quảng Tây (giáp Việt Nam) cũng có rất nhiều bích họa trên đá, mà họ gọi là nham họa. Năm 1956, GS. Dương Chí Thành, thuộc Học viện dân tộc Trung ương Trung Quốc, đã công bố tài liệu “Ninh Minh huyện Minh Giang lưỡng ngạn nhai bích cổ họa điều tra” cho rằng, những bích họa ở Quảng Tây mô tả cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị đầu công nguyên. GS. Thành cho rằng, những bích họa này là di tồn của cuộc khởi nghĩa đó.
Tài liệu “Vu thuật văn hóa đích di tồn - Quảng Tây Tả Giang nham họa phẩu tích” và “Quảng Tây Tả Giang nham họa” của Vương Khắc Vinh, Khâu Trung Luận, Trần Viễn Chương (Trung Quốc) viết: Căn cứ vào sự khác biệt của các hình vẽ trên nham hoạ biểu hiện ra, cho rằng nội dung mà nham họa phản ảnh là các loại hoạt động lễ nghi vu thuật của người Lạc Việt, như các hoạt động tế ngày, tế trống, lễ sông, lễ quỹ thần, lễ thần ruộng, lễ thần đất, cầu chiến tranh thắng lợi, tế người, tế vật tổ…
Liệu bích họa trên vách núi Cửa Chùa có liên hệ gì với thời kỳ Hai Bà Trưng khởi nghĩa, và có liên hệ với những hình vẽ ở Quảng Tây? Càng nghiên cứu, tìm hiểu, càng thấy nhiều thú vị sau những bích họa ẩn trong vách đá triệu năm tuổi này.
Giải mã nham họa bí ẩn trên mái đá Cửa Chùa
Trao đổi với một số nhà khoa học lịch sử, khảo cổ, song tôi đều nhận được câu trả lời: Chưa từng nghe nói ở Việt Nam có bích họa trên đá. Vì chưa từng phát hiện, chưa từng nghiên cứu. Vì thế, sự hiểu biết của các nhà khoa học về loại hình di sản này hạn chế.
Mang những tấm hình chụp bích họa trên vách đá núi Cửa Chùa đến Viện Khảo cổ học, TS. Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học (Viện Khảo cổ học Việt Nam) đã thực sự ngỡ ngàng và xúc động. Ông thốt lên: “Cả đời nghiên cứu khảo cổ, song đây là lần đầu tiên tôi được thấy những nhai bích họa trên đá ở Việt Nam. Có lẽ, đây là nhai bích họa đầu tiên được phát hiện!”.
Giới báo chí thường gọi TS. Trình Năng Chung là người của thời đại đồ đá, bởi ông có chuyên môn rất cao với những di sản khảo cổ liên quan đến đá.
Sau khi quan sát một lượt các bức ảnh tôi chụp, TS. Trình Năng Chung mô tả: “Người xưa sử dụng mực màu đỏ, loại màu chủ yếu vẽ trên đá. Vẽ theo phong cách tả thực, rõ hết đầu, tai, mắt, mũi. Tay khuỳnh, chân khuỳnh, người nhảy múa, người cầm chùy, đao, lại có ghế ngồi…”. Sau khi phóng to, thu nhỏ, mô tả một lượt các bích họa, TS. Chung bảo: “Để biết được những thông điệp từ những bích họa này phải về tận nơi, quan sát tổng thể, có cái nhìn toàn cảnh, mới giải mã được điều người xưa muốn nói”.
Qua việc xem ảnh, ông mới chỉ có được những suy đoán ban đầu.
Điều bí ẩn nhất với tôi cũng như với người dân ở xã Gia Vân là những bích họa này cứ ẩn hiện trên vách đá, tức là khi té nước thì hiện lên rõ mồn một, khi nước khô, bích họa lại biến mất, đã được TS. Trình Năng Chung giải mã dễ dàng. Theo ông, chất liệu người xưa sử dụng để vẽ tranh trên đá không phải thứ mực thông thường, mà là một loại khoáng ô-xít sắt có màu đỏ sẫm, một dạng của thổ hoàng. Người xưa lấy loại khoáng này, hòa với nước, cùng một số chất liệu khác sẽ cho một loại mực cực kỳ đặc biệt. Khi dùng mực vẽ lên vách đá, các chất trong đá sẽ phản ứng hóa học, hút các ô-xít sắt ngấm sâu vào trong thớ đá và loại mực này sẽ ẩn chứa vĩnh viễn trong đá. Màu đỏ của ô-xít sắt chỉ mất đi khi vách đá bị phá hủy.
Bình thường, nếu đá sạch sẽ, không có bụi bẩn bám vào, thì bích họa sẽ hiện lên đúng với màu đỏ ối hoặc đỏ sẫm nguyên bản. Tuy nhiên, do mái đá ở dãy núi Cửa Chùa có nhiều bụi bám vào, nên màu đỏ của các bích họa bị nhòa đi. Khi té nước lên, các chất bụi bẩn bám trên đá loãng ra, thì màu đỏ của bích họa sẽ hiện lên. Nhưng khi nước khô đi, bụi bẩn lại trở lại màu ban đầu, sẽ che khuất màu đỏ của bích họa.
Điều lý giải của TS. Trình Năng Chung là chuẩn xác. Bình thường, các vách đá đều rất sạch sẽ, được mưa rửa thường xuyên. Tuy nhiên, mái đá này từng là nơi đặt nhiều lò nung vôi, nên khói bụi bám vào rất dày, rất bẩn. Mái đá lại nghiêng khoảng 70 độ, nên chỉ khi nào mưa lớn, gió to, nước mới hắt vào được. Vì ít được mưa rửa, nên mái đá này không được sạch sẽ cho lắm. Chính vì thế, ảnh chụp những hình vẽ này không thật rõ. Theo TS. Chung, nếu các nhà khảo cổ về nghiên cứu, tẩy rửa vách đá, các bích họa sẽ hiện lên sắc nét, rõ mồn một.
Việc phá hủy vách đá mà bích họa không mất đi là không phải. Dù ô-xít sắt ngấm vào đá, song chỉ ngấm ở mức độ nào thôi, chứ không thể quá sâu. Do đó, nếu cố tình đục đẽo, phá hủy, thì các nham họa vô cùng quý giá trên vách đá sẽ biến mất vĩnh viễn. Qua đây, TS. Chung cũng nhắc nhở chính quyền địa phương cần lên phương án bảo vệ ngay từ lúc này, chờ các nhà khoa học về nghiên cứu cụ thể.
TS. Trình Năng Chung đã có một số cơ hội tham quan, nghiên cứu về các nham họa trên vách đá ở núi Hoa Sơn (Quảng Tây, Trung Quốc), miền Trung Thái Lan, đảo Java (Indonesia). Loại nham họa này phát hiện nhiều nhất ở Quảng Tây (Trung Quốc), dọc vách đá của một con sông dài cả trăm km. Tuy nhiên, các nham họa ở Trung Quốc mang phong cách biểu tượng, còn những hình vẽ mái đá Cửa Chùa thì mang phong cách tả thực.
Việc vẽ những bích họa này có thể là do một người hoặc nhóm người, vẽ trong một thời điểm và thống nhất chủ đề. Để vẽ được trên vách đá cheo leo, nguy hiểm, người xưa phải dùng giàn giáo, hoặc dây đu từ trên mỏm núi. Điều đặc biệt là, loại hình nhai bích họa này phải được vẽ trên các vách đá hoàn toàn tự nhiên, tương đối phẳng, không được tác động đục đẽo, mài giũa mặt đá. Do đó, để tìm được một địa điểm thể hiện loại hình nghệ thuật này không phải dễ dàng.
Để giải mã được các bích họa, cần phải có quá trình nghiên cứu toàn bộ lịch sử, địa lý, văn hóa vùng đất. Qua thông tin cung cấp của tôi, ngay dưới mái đá từng có ngôi chùa Bái Vọng, đã bị phá hủy trước năm 1945, TS. Chung cho rằng, cũng có thể đưa ra giả thuyết về sự liên quan của những nham họa với các buổi tế lễ ở chùa. Các bức hình chụp người dữ tợn có thể là ông Ác, người hiền lành là ông Thiện. Rồi các tượng Phật, La Hán… cùng những người hành lễ tại chùa.
TS. Trình Năng Chung nhắc lại rằng, đó chỉ là một trong số vô vàn cách giải mã, phán đoán mà thôi. Từ những bích họa này, các nhà khoa học có thể có rất nhiều cách giải mã khác nhau, nó kích thích trí tưởng tượng đến tận cùng của con người.
Về loại hình nhai bích họa ở các nước khác, các nhà khoa học đã có một quá trình nghiên cứu lâu dài, song không phải đã thống nhất cách giải mã. Tuy nhiên, phần lớn đều cho rằng, các nhai bích họa thể hiện một sự kiện lịch sử, văn hóa, chúc mừng một chiến thắng vĩ đại của một cuộc chiến tranh nào đó. Ngoài ra, nó được cho là “di tồn văn hóa vu thuật”, là những tác phẩm có ý thức tôn giáo nguyên thủy.
Người Việt cổ vốn sùng bái trời đất, núi sông và sự cảnh giới vu thuật. Do đó, các bích họa có thể phản ánh các nghi lễ vu thuật như lễ tế sông núi, quỷ thần, thần rừng, thần ruộng, thần đất, tế vật tổ, chiến tranh thắng lợi…
Ở Trung Quốc hoặc một số nước, loại hình nghệ thuật này rất kỳ lạ. Các nham họa thường nằm ở vị trí vô cùng nguy hiểm, cao hàng trăm mét trên vách đá dựng đứng, cạnh các khúc sông sâu, chảy mạnh, nên không có phương tiện không thể phát hiện ra được. Vì lý do này mà các nhà khoa học tin rằng, các nhai bích họa có quan hệ với việc cúng tế thủy thần, hoặc như những lá bùa trấn thủy…
Một kiến giải khác, là những nhai bích họa có liên quan đến tục táng treo trong hang động trên vách đá. Việc táng treo ở Việt Nam thì đã phát hiện ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, cách vùng đất ngập nước Vân Long không xa. Tuy nhiên, lại chưa từng phát hiện quan tài táng treo ở khu vực Ninh Bình, dù vùng này có rất nhiều núi đá, hang động. Nếu các hình vẽ lên quan đến tục táng treo, như phát hiện ở một số nước, thì các nham họa có thể mang ý nghĩa bảo vệ cho người chết, biểu thị sự tôn kính với người đã khuất. Và nếu các nham họa liên quan đến táng treo, thì việc phát hiện thêm các nham họa ở nơi khác là điều có thể hy vọng.
Qua những giải mã bước đầu của TS. Trình Năng Chung, tôi nhận thấy thông điệp người xưa để lại có thể đơn giản, song cũng có thể vô cùng phức tạp, liên quan đến một nền văn hóa của một giai đoạn lịch sử. Dù sao, đây cũng là những bích họa hiếm hoi, quý giá, đang chờ đợi các nhà khoa học khám phá.
TS. Trình Năng Chung hứa sẽ sớm sắp xếp công việc để về Gia Vân nghiên cứu và tiếp tục giải mã những bí ẩn của nham họa trên mái đá Cửa Chùa.
Phạm Dương Ngọc
「dao java」的推薦目錄:
- 關於dao java 在 Phạm Dương Ngọc Vlog Facebook 的最佳解答
- 關於dao java 在 Many-to-many relationship in Java using DAO pattern - Stack ... 的評價
- 關於dao java 在 java-mysql-dao-example/UserDaoImpl.java at master - GitHub 的評價
- 關於dao java 在 DAO pattern in Java - Manh Phan 的評價
- 關於dao java 在 Service layer vs DAO -- Why both? - Software Engineering ... 的評價
dao java 在 java-mysql-dao-example/UserDaoImpl.java at master - GitHub 的推薦與評價
A simple example how to use MySQL in Java. Contribute to hatone/java-mysql-dao-example development by creating an account on GitHub. ... <看更多>
dao java 在 DAO pattern in Java - Manh Phan 的推薦與評價
The DAO pattern is a structural pattern that allow us to isolate the application/business layer from the persistence layer (usually a relational ... ... <看更多>
dao java 在 Many-to-many relationship in Java using DAO pattern - Stack ... 的推薦與評價
... <看更多>
相關內容